Thông tin kinh tế tài chính ngày 13/6/2021: Số lợi nhuận 'khủng' của các ngân hàng

2021-06-13 08:22:11 0 Bình luận
Giá vàng hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh. Ngân hàng có lợi nhuận khủng giữa đại dịch. Giá xăng dầu hôm nay 13/6: Triển vọng tiêu thụ lạc quan, giá dầu lại vượt khó. Gần 100 doanh nghiệp ở Bắc Giang hoạt động trở lại.

Giá vàng hôm nay 13/6: Lực hỗ trợ suy yếu, giá vàng lao dốc

Triển vọng phục hồi kinh tế khi nhiều nước mở cửa trở lại nền kinh tế đã lấn át những lo ngại về lạm phát, qua đó khiến giá vàng hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Giá vàng thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 7/6 với xu hướng giảm nhẹ khi giới đầu tư đặt cược vào việc FED sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Khép tuần giao dịch, giá vàng ngày 13/6 ghi nhận giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.877,82 USD/Ounce, giá vàng thế giới giao tháng 8/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.877,8 USD/Ounce.

Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới nhưng với biên độ hẹp hơn, giá vàng SJC trong nước tuần qua cũng có xu hướng giảm nhẹ.

Khép tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá vàng 9999 niêm yết tại TP Hồ Chí Minh đứng ở mức 56,70 – 57,30 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,70 – 57,25 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,75 – 57,55 triệu đồng/lượng. Và tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,76 – 57,23 triệu đồng/lượng.

Với những diễn biến như trên, giá vàng thế giới được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuần giao dịch từ ngày 14/6 khi theo kết quả cuộc khảo sát của Kitco xu hướng của giá vàng đã có sự phân hoá mạnh.

Ngân hàng có lợi nhuận khủng giữa đại dịch

Nghịch lý các nhà băng thu lợi khủng thì nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn phá sản được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên họp mới đây khiến nhiều người bức xúc.

Thị trường đang hồi hộp chờ đợi kết quả 6 tháng đầu năm của ngành NH nhưng thực tế quý 1, nhiều nhà băng đã có lợi nhuận đột biến. Đầu bảng là Vietcombank đạt 8.631 tỉ đồng (tăng khoảng 3.400 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái); VietinBank đạt 8.060 tỉ đồng (tăng 5.086 tỉ đồng); Techcombank đạt 5.518 tỉ đồng (tăng 2.397 tỉ đồng); MB đạt 4.580 tỉ đồng (tăng 2.384 tỉ đồng); VPBank đạt 4.006 tỉ đồng (tăng 1.095 tỉ đồng), BIDV đạt 3.396 tỉ đồng (tăng 1.582 tỉ đồng)…

Thống kê 21 NH đã có lợi nhuận trước thuế quý 1 lên hơn 51.707 tỉ đồng, tăng 23.339 tỉ đồng, tương ứng mức tăng hơn 82,2%. Tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều NH khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như VietinBank tăng 171%, MB tăng 108%, BIDV tăng 87%, Kienlongbank tăng mạnh 1.132%, MSB tăng 296%, SeaBank tăng 126%... Nhiều NH dự báo sẽ sớm cán đích kế hoạch lợi nhuận đưa ra từ hồi đầu năm 2021.

Theo đánh giá của FiinGroup, biên lãi ròng (NIM) cải thiện do lãi suất (LS) huy động giảm nhưng LS cho vay không giảm tương ứng là yếu tố then chốt giúp NH đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý 1. NIM của các NH đạt 4,3% trong quý 1/2021, tăng đáng kể so với mức 3,9% trong quý 1/2020. Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 10,1% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 12% cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành NH trong quý 1. Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của NH Nhà nước với lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm và cho phép giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã giúp các NH không gặp áp lực về chi phí trích lập.

Từ nhiều tháng trở lại đây, mặt bằng LS vẫn khá ổn định, LS huy động tiền đồng của các NH thương mại kỳ hạn dưới 6 tháng từ 2,5 - 3,9%/năm, từ 6 - 12 tháng từ 3,8 - 6,8%/năm, trên 12 tháng từ 5 - 6,8%/năm. Đặc biệt tỷ lệ huy động vốn rẻ không kỳ hạn (CASA) của các NH tăng lên đáng kể, góp phần làm giảm chi phí huy động. Trong khi đó, LS cho vay ngắn hạn tiền đồng từ 4,5 - 6%/năm, LS trung dài hạn từ 8 - 9%/năm. Đối với những khoản cho vay cũ, LS vay ngắn hạn từ 7 - 8%/năm và trung dài hạn lên hơn 10%/năm.

Giá phân bón tăng và câu chuyện quy luật thị trường mới

2021 là một năm đặc thù với ngành nông nghiệp nói chung, phân bón nói riêng khi giá nguyên liệu đầu vào và giá bán đầu ra có quy luật thị trường khó lường.

Kết vụ đông xuân, dù trúng mùa, trúng giá nông sản, nhưng cuối vụ thu hoạch nhà nông không lãi được nhiều do phân bón tăng giá, kéo chi phí đầu vào tăng. Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi khiến giá đầu vào sản xuất nông sản tăng, song đầu ra không tăng tương ứng, liệu đây có phải câu chuyện mới của quy luật thị trường?.

Từ đầu năm 2021, giá phân bón thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo. Trung tuần tháng 6, xu hướng này tiếp tục với hầu hết các dòng phân bón phục vụ vụ hè thu. Thị trường phân bón trong nước cũng liên thông giao thương 2 chiều với thị trường lân cận như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc,… nên xu hướng tăng giá chung của thế giới thẩm thấu vào thị trường nội địa rất nhanh.

Nhu cầu chăm bón tăng mạnh do đầu vụ giá lúa tăng cao thúc đẩy nông dân xuống giống nhiều hơn, trong khi nguồn cung phân bón từ các thị trường nhập khẩu truyền thống giảm.

Tuy nhiên, gần đây giá nông sản lại đổi chiều, nhưng giá phân bón lại không diễn biến cùng nông sản, nhất là trên một số chủng loại nông sản như khoai lang, bơ, hành tím… giá lao dốc khi đến vụ thu hoạch trong bối cảnh nước ta đang vào đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Việc phải hạn chế, giãn cách khiến các hoạt động dịch vụ logistic, thương lái thu mua nông sản vắng bóng, tiêu thụ nông sản cực kỳ khó khăn.

Tình trạng trên cho thấy, thị trường phân bón trong và ngoài nước đang phải đối diện với thách thức toàn cầu. Đại dịch kéo dài, diễn biến phức tạp, sức ép đảm bảo an ninh lương thực, thiên tai hạn hán khiến nguồn cung phân bón bất ổn, giá nông sản cũng tương tự.

Xét tổng thể nguồn cung phân bón trong nước, Việt Nam hầu như chỉ chủ động được số ít mặt hàng như phân ure, phân lân. Sản xuất còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, các chi phí đầu vào khác cũng đang tăng theo diễn biến chung. Mức tăng được ghi nhận ở các thương hiệu lớn, chạm mức 495.000 đồng/bao ure 50kg.

Các dòng sản phẩm khác là DAP, NPK, Kali… sản xuất trong nước không đáp ứng đủ buộc phải nhập khẩu. Cầu nhiều, cung hiếm càng đẩy giá bán tăng. Dòng DAP hiện được một số doanh nghiệp bán với giá 790.000 đồng - 800.000 đồng/bao, có nơi cũng bán với giá 560.000 đồng - 590.000 đồng/bao. Kali miểng, mặt hàng nóng trong vụ hè thu đang được cung ứng tại thị trường Tây Nam Bộ có giá mỗi bao từ 420.000 đồng - 450.000 đồng và 430.000 đồng - 440.000 đồng ở Đông Nam Bộ - Tây Nguyên. Một số mặt hàng khác như NPK 16-16-8, NPK 20-20-15 và NPK 20-20-15+TE giá đều cao hơn cuối 2020.

Giá xăng dầu hôm nay 13/6: Triển vọng tiêu thụ lạc quan, giá dầu lại vượt khó

Bỏ qua những lo ngại về dịch Covid-19 cũng như các vấn đề về lạm phát, lãi suất, căng thẳng địa chính trị... giá xăng dầu hôm nay đã khép tuần giao dịch với xu hướng tăng mạnh, và là tuần thứ 3 tăng giá liên tiếp.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 7/6 với xu hướng tăng nhẹ sau khi triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ được củng cố bởi một loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, Trung Quốc, cùng như thông tin tồn kho dầu thô Mỹ giảm và dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát.

Khép tuần giao dịch, giá dầu ngày 13/6 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 70,52 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 72,60 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu hôm nay tiếp tục ghi nhận giá dầu thế giới có tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp và đạt mức cao nhất 2 năm trở lại đây.

Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 19.048 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 20.164 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.448 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 14.412 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.954 đồng/kg.

Với những diễn biến như trên, giá dầu thế giới được nhận định sẽ tiếp tục duy trì ở mức đỉnh 2 năm khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhờ việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế, hoặc thực hiện nới lỏng các biện pháp phong toả nhờ kết quả thực hiện các chương trình vắc-xin Covid-19.

Điểm lại thị trường nông sản tuần qua

Giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/6, dẫn đầu là đậu tương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 giảm 14,5 xu Mỹ (2,07%) xuống 6,845 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 3 xu Mỹ (0,44%) xuống 6,8075USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 giảm 35,5 xu Mỹ (2,3%) xuống 15,085 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn của Mỹ giảm nhẹ lo ngại về nhu cầu nguyên liệu nhiên liệu tái tạo sau thông tin Nhà Trắng đang xem xét cung cấp cứu trợ cho các nhà máy lọc nhiên liệu.

Báo cáo của Reuters cho biết Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đang cân nhắc các cách cứu trợ cho các nhà máy lọc dầu đẩy nhanh áp lực chốt lời vào cuối tuần, khi các nhà dự báo thời tiết cho hay mưa ở một số vùng của đồng bằng Trung Tây và Bắc Mỹ sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây trồng.

Trong lúc chờ đợi báo cáo về diện tích trồng ngô và đậu tương Mỹ, được công bố vào cuối tháng này, các thị trường ngũ cốc sẽ tập trung vào tình hình thời tiết ở Mỹ và khu vực Nam Mỹ, trong bối cảnh thời tiết hạn hán đã làm ảnh hưởng đến sản lượng ngô ở Brazil, trong khi thời tiết tốt ở Argentina đang hỗ trợ cho mùa màng.

* Thị trường gạo châu Á:

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên trong tuần này do chi phí vận chuyển cao, khiến các thương nhân Việt Nam không kí kết các hợp đồng mới.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 455-484 USD/tấn trong phiên ngày 10/6 so với mức 457-468 USD/tấn trong tuần trước, trong đó các thương nhân cho rằng chi phí vận chuyển tăng lên, song nhu cầu ở mức thấp.

Một thương nhân tại Bangkok cho hay thị trường gạo khá trầm lắng chủ yếu do chi phí vận chuyển hàng hóa và sự khan hiếm tàu chở hàng. Đồng baht mạnh lên so với đồng USD gần đây cũng là nguyên nhân làm giá gạo tăng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 480-485 USD/tấn so với mức 485-490 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay mặc dù giá gạo Việt Nam giảm nhẹ, song các khách hàng đang tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu Thái Lan do giá gạo nước này đang được chào bán thấp hơn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao cũng làm ảnh hưởng đến việc ký kết các hợp đồng mua bán mới. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2021 đã giảm 19,9% so với tháng 4/2021 xuống còn 626.750 tấn.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, đã giảm xuống 379-383 USD/tấn so với mức 382-388 USD/tấn chủ yếu do giá trị của đồng rupee giảm.

* Thị trường cà phê thế giới:

Giá cà phê trên thị trường thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 12/6. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London tăng 0,44% (tương đương 7 USD) lên 1.592 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 tại New York giảm 0,79% (tương đương 1,25 xu Mỹ) xuống 157,45 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535kg).

Thị trường cà phê kỳ hạn đang trong giai đoạn “kinh doanh thời tiết”, nên những thông tin về lượng mưa tại các vùng trồng trọng điểm đang ảnh hưởng mạnh lớn đến giá cà phê từng ngày. Điều này thể hiện rõ nhất khi hiện nay Arabica đang phụ thuộc rất nhiều vào thông tin lượng mưa tại Brazil, trong tuần này giá trên sàn New York trồi sụt liên tục.

Sản lượng cà phê nhân của Brazil xuất khẩu trong tháng 5/2021 đạt 3.169 triệu bao (loại 60 kg), giảm so với mức 3.595 triệu bao cùng tháng năm ngoái. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong tháng 5/2021 cũng giảm 52% chỉ đạt 427.000 bao do tình hình bất ổn tại nước này.

Trong khi đó, giá cà phê Việt Nam giao dịch trong khoảng 33.400 - 34.300 đồng/kg. Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 5/2021 đạt 130.285 tấn, tương đương 2.171.400 bao, giảm 1,38% so với tháng trước, đưa xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 715.263 tấn, khoảng 11,92 triệu bao, giảm 12,01% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân sụt giảm được cho là do giá cước tàu biển tăng quá cao khiến việc giao hàng bị chậm lại, trong khi lượng hàng tồn kho của nhà nông hầu như không đáng kể.

Gần 100 doanh nghiệp ở Bắc Giang hoạt động trở lại

Tỉnh Bắc Giang đã thẩm định và cho phép 98 doanh nghiệp, với hơn 15.760 lao động đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Số doanh nghiệp này đáp ứng các điều kiện về sản xuất an toàn trong bối cảnh Covid-19, có chỗ ăn, ở tập trung tại doanh nghiệp cho người lao động. Công nhân tại các nhà máy trước khi vào làm việc phải có kết quả xét nghiệm tầm soát Covid-19...

Như vậy, số lượng doanh nghiệp được thẩm định, đủ điều kiện hoạt động lại tăng gấp đôi so với cách đây một tuần. Và trong vòng nửa tháng từ thời điểm quyết định thí điểm cho phép các doanh nghiệp sau khi Bắc Giang tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp do Covid-19 bùng phát, bình quân mỗi ngày Bắc Giang có 15 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân trong khu công nghiệp Bắc Giang. Ảnh: Giang Huy

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân trong khu công nghiệp Bắc Giang. Ảnh: Giang Huy

Sau khi quay lại hoạt động, các doanh nghiệp đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình mới "thời dịch bệnh", vừa phòng, chống dịch bên ngoài doanh nghiệp, vừa chống dịch trong từng phân xưởng, nhà máy. Công nhân ngồi giãn cách khi làm việc tại phân xưởng, trong giờ ăn ca. Các doanh nghiệp cũng chia nhóm công nhân, bố trí họ ăn, ở và đi cùng xe... để tránh lây lan dịch bệnh.

Tính toán của tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày tỉnh này thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng khi phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn khác và xuất khẩu lớn linh phụ kiện ra nước ngoài, nên việc này còn gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, Bắc Giang từng bước xem xét cho các doanh nghiệp vận hành trở lại, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024: Lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản” sẽ có hơn 70 sự kiện và nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay hỗ trợ Lễ hội số tiền gần 25 tỷ đồng.
2024-04-26 07:52:37

Phụ nữ Cảnh Dương hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hội viên

Chiều 25/4, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Cảnh Dương tổ chức Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
2024-04-25 17:35:00

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49
Đang tải...