Bài 1: Sức sống nơi những vùng đất chết

2019-03-21 10:22:32 0 Bình luận
Trong hai ngày 25 và 26-3, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York và thủ đô Washington của Hoa Kỳ diễn ra hai cuộc hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam do Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo 701) phối hợp với một số cơ quan của LHQ và Hoa Kỳ tổ chức.

Từ Washington, phóng viên Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài nêu lên thực trạng cùng những cố gắng của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm phối hợp khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại.

Chiến tranh qua đi - nỗi đau còn lại

Những cuộc chiến tranh triền miên đã để lại trên dải đất hình chữ S những di chứng kinh khủng về ô nhiễm bom mìn và tác nhân dioxin, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những đất nước phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề bậc nhất thế giới.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 701, chỉ ước tính trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Còn theo kết quả điều tra do Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) công bố ngày 3-4-2018, số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm nghìn tấn.

Số lượng tồn dư các loại bom mìn, vật nổ (BMVN) hiện nay nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc còn 9.116 xã bị ô nhiễm BMVN ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87% tổng số xã trên toàn quốc. Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN tính đến thời điểm tháng 12-2017 là hơn 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước.

Trong số các địa phương phải chịu hậu quả ô nhiễm BMVN nặng nề, tập trung ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ diện tích đất đai tồn lưu BMVN nhiều nhất.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham gia Lễ khánh thành Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam. Ảnh do Ban chỉ đạo 701 cung cấp


Về nạn nhân bom mìn, theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, chỉ tính từ năm 1975 đến 2002, số người bị tai nạn do bom mìn là 105.298 người, trong đó chết 42.135 người (30% là trẻ em), bị thương 62.163 người. 49 trong số 63 tỉnh, thành phố có tai nạn do BMVN gây ra. Còn trong giai đoạn 5 năm gần đây, số người chết và bị thương do tai nạn BMVN là 1.800 trường hợp. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng những di chứng của nó để lại đối với người dân và đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam - mới chỉ tính trên khía cạnh vật liệu nổ, bom mìn, vẫn còn hết sức nặng nề.

Tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu hậu quả bom mìn

Trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM), tháng 4-2010, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động quốc gia KPHQBM sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, tập trung mọi nguồn lực của quốc gia, quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn cho người dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội.

Trong giai đoạn 2016-2018, gần 3.000 dự án rà phá BMVN được thực hiện trên diện tích hơn 90 nghìn ha với tổng chi phí khoảng 2.840 tỷ đồng. Tháng 4-2018, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam - Giai đoạn 1”, đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên phạm vi đất liền toàn quốc, giúp đưa ra những vùng cần ưu tiên tập trung nguồn lực.

Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức thành lập Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia với nhiệm vụ thu thập các thông tin, dữ liệu về các hoạt động KPHQBM sau chiến tranh trên toàn quốc; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về hậu quả của bom mìn, vật liệu nổ cho người dân sống xung quanh khu vực có rủi ro phơi nhiễm; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến KPHQBM.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến những nạn nhân bom mìn thông qua hoạt động của các bộ ngành, các tổ chức như Hội Hỗ trợ KPHQBM. Nạn nhân và gia đình nhận sự giúp đỡ thông qua các hoạt động sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sử dụng máy móc thiết bị. Trong giai đoạn 2014-2018, khoảng 5.000 người được Hội Hỗ trợ KPHQBM giúp đỡ bằng nguồn tài trợ từ các tổ chức chính trị, xã hội, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho các nạn nhân bom mìn.

Những bàn tay bè bạn

Trên bình diện quốc tế, chính phủ nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã chung tay góp sức đẩy nhanh tiến độ KPHQBM. Những đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực này là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh và một số tổ chức như: Nhóm cố vấn mìn (MAG), Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Việt Nam, Trung tâm Rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Geneve (GICHD).

Từ năm 2009 đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ khoảng 5,5 triệu USD để thực hiện hai dự án rà phá bom mìn. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ hoạt động KPHQBM tại Việt Nam qua các giai đoạn: Từ năm 2003 đến 2013, thông qua Chương trình hỗ trợ nhân đạo đã chuyển giao các trang thiết bị rà phá bom mìn và hỗ trợ điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung, trị giá khoảng 14,5 triệu USD; từ năm 2016 đến nay hỗ trợ Việt Nam thực hiện 7 nội dung đã cam kết liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, khảo sát.

Từ nguồn Chính phủ Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam viện trợ 20 triệu USD để thực hiện Dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác KPHQBM sau chiến tranh tại hai tỉnh Quảng Trị và Bình Định”.

Ngoài ra, các tổ chức như: Quỹ Nhi đồng LHQ-UNICEF, Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam/Mỹ Peace Trees Vietnam, tổ chức SODI của CHLB Đức, các tổ chức CRS, RENEW đã tham gia tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở địa phương.

Chính phủ các nước: Anh, Bỉ, Ấn Độ tiếp nhận cán bộ Việt Nam tham gia một số khóa huấn luyện nâng cao năng lực về quản lý, điều hành hoạt động KPHQBM. Một số chính phủ các nước khác như: Hungary, Italy, Ba Lan, Australia, Sri Lanka, CH Séc đang xem xét hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Như vậy, cùng với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của bạn bè, cộng đồng quốc tế đã góp phần làm giảm bớt những hậu quả bom mìn đối với người dân và đất nước Việt Nam, mang lại sức sống cho những vùng đất chết, giúp bớt đi gánh nặng mà di chứng bom mìn đã để lại trên cơ thể đất nước và con người Việt Nam.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...