Apec Group bị phạt do phát hành trái phiếu chui: Nhà đầu tư có thể kiện ra toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group (Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 3 Trung tâm thương mại Grand Plaza, 117 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) chào bán 17 trái phiếu với tổng giá trị 508 tỷ đồng trong giai đoạn từ 18/1/2021 đến 6/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.
Tập đoàn APEC cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật Inteco, cho biết, việc phát hành trái phiếu chui, phát hành không đúng quy định không cấu thành hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm cho giao dịch mua bán giữa đơn vị phát hành và nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro. Rủi ro trước hết, là đơn vị phát hành phải thu hồi lại trái phiếu đã phát hành trái quy định, nhưng nguồn tiền thì đã chi tiêu nên đẩy hai bên vào tình trạng tranh chấp và rất khó giải quyết. Ở đây đặt ra trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc cưỡng chế và giám sát đơn vị phát hành thu hồi trái phiếu và hoàn trả cho nhà đầu tư. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn, ngoài việc phối hợp và yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để cưỡng chế đơn vị phát hành. Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn khởi kiện đơn vị phát hành ra Toà để yêu cầu Toà tuyên buộc bị đơn hoàn trả lại số tiền đã nhận và đòi bồi thường thiệt hại.
Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật Inteco
Để có một thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng thực sự minh bạch và có hiệu quả, cơ quan Nhà nước cần có những động thái chấn chỉnh và làm sạch thị trường, kịp thời loại bỏ những hoạt động vay tín dụng trá hình hoặc lừa dối nhà đầu tư. Chỉ có một thị trường minh bạch và nghiêm túc mới có thể tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư thực sự và khuyến khích được các doanh nghiệp làm ăn chân chính tham gia vào thị trường. Muốn có một thị trường phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả, nhất thiết phải loại bỏ ngay những chiêu trò và tiểu xảo như đang diễn ra hiện nay. Vài trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là rất lớn và các cơ quan đó cần có những động thái có tính trách nhiệm, công tâm và cương quyết hơn nữa, Luật sư Phong nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.