Thông tin phản ánh tình trạng "cài thầu" tại Sở GD&ĐT Bình Định
Cụ thể: Ngày 14/11/2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định (Sở GD&ĐT Bình Định) Đào Tuấn Đức ký ban hành Quyết định số 4057/QĐ-SGD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm tập trung bàn ghế học sinh THPT cho các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022 cho Liên doanh Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sao Việt & Công ty TNHH Kiểu Việt, giá trúng thầu là 23.260.910.000 đồng.
Theo phản ánh, Sở GD&ĐT Bình Định đã xây dựng các tiêu chí đánh giá theo hướng tìm một nhà máy sản xuất thiết bị bàn, ghế, thay vì tìm một nhà cung cấp. Theo đó, tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, nhà thầu phải đáp ứng đồng thời các điều kiện theo bản vẽ kỹ thuật của Chủ đầu tư, nguyên liệu làm bàn ghế theo dạng chỉ định: Nguyên liệu làm bàn là gỗ cao su tự nhiên, nguyên liệu làm ghế là gỗ chò. Điểm thể hiện rõ việc Sở GD&ĐT thể hiện việc tìm nhà sản xuất thiết bị khi xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu: Tay nghề cần thiết để sản xuất chế tạo hàng hoá: Chỉ huy trưởng/Kỹ thuật trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm, tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế nội thất, có giấy chứng nhận bồi dưỡng chỉ huy trưởng; Cán bộ kỹ thuật 2 người, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ chế biến lâm sản; Công nhân kỹ thuật ≥ 15 người trở lên, có chứng nhận bậc 3/7 đối với các nghề (mộc dân dụng, mộc máy, mộc xây dựng, sơn PU).
Ngoài ra, trong Mục 3. Kiểm tra và thử nghiệm, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải cam kết thực hiện: Kiểm tra gỗ nguyên liệu (nhà thầu phải cung cấp giấy tờ chứng minh chủng loại, nguồn gốc…); kiểm tra hàng đóng mẫu sau khi ký hợp đồng; kiểm tra sản phẩm mộc trước khi sơn hoàn thiện; kiểm tra sản phẩm sau khi hoàn thiện. Quy trình kiểm tra và thử nghiệm rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, nhưng chủ đầu tư yêu cầu thời hạn hoàn thành gói thầu là 75 ngày (phải hoàn thành 5.710 bộ bàn (1 bàn 2 ghế) và 450 ghế rời).
Bàn, ghế học sinh là hàng thông dụng, mọi nhà thầu đều có thể chào thầu dưới tư cách nhà cung cấp thương mại. Do đó, việc HSMT nhắm đến nhà sản xuất như đối với hàng hóa đặc thù là không phù hợp quy định của pháp luật về đấu thầu, thu hẹp “cửa” dự thầu của không ít nhà thầu. Trường hợp HSMT bao hàm những tiêu chuẩn đánh giá bất cập kể trên đều dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, việc đưa ra các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cao hơn yêu cầu của gói thầu là không phù hợp với tinh thần cạnh tranh trong đấu thầu được quán triệt tại Chỉ thị 47/CT-TTg và Chỉ thị 03/CT-BKHĐT.
Không chỉ xây dựng các tiêu chí kỹ thuật giành cho nhà sản xuất thiết bị, Sở GD&ĐT Bình Định còn có thiết kế riêng bàn, ghế cho học sinh THPT ở tỉnh với các thông số kỹ thuật không phù hợp với Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học,trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Cụ thể: Sở GD&ĐT Bình Định đưa ra thông số kỹ thuật đối với bàn học sinh THPT là (D x R x C): (1.200 x 450 x 750)mm, thông số kỹ thuật với ghế học sinh là (D x R x C) : (360 x 420 x 450)mm, hiệu số chiều cao bàn ghế là 300mm. Như vậy trái với điều 3 của Thông tư số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT. Theo quy định kích thước cơ bản của bàn ghế (sai số cho phép của kích thước là ± 0,5cm) được chia làm 6 cỡ, trong đó cỡ số VI bàn giành cho học sinh cao từ 160 – 175cm, quy định (Dx R x C): (1.200 x 50 x 690)mm, cỡ số VI ghế giành cho học sinh (D x R x C) : (360 x 420 x 410)mm, hiệu số chiều cao bàn ghế là 280mm. Như vậy, Sở GD&ĐT Bình Định đã điều chỉnh chiều cao của bàn, tạo tiêu chí gây khó cho các nhà thầu, đồng thời, không đảm bảo hiệu số chiều cao bàn ghế theo quy định của Thông tư 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định nơi bị phản ánh đưa ra nhiều tiêu chí làm khó nhà thầu (nguồn ảnh: internet)
Từ những yêu cầu kỹ thuật gây khó cho nhà thầu, dẫn đến giá thành của gói thầu bị đội lên cao. Theo bảng giá hồ sơ dự thầu 1 bộ bàn ghế (1 bàn, 2 ghế rời) có giá là 4.067.000 đồng/bộ, ghế rời là 804.000 đồng/cái. Trong khi đó, trên thị trường bộ bàn ghế học sinh của Hoà Phát (1 bàn, 2 ghế rời) cũng được làm bằng gỗ cao sư tự nhiên, các chỉ số gần như tương tự giá bán là 1.880.000 đồng, ghế học sinh bằng gỗ cao su tự nhiên của Xuân Hoà giá bán là 365.000 đồng/chiếc. Như vậy, việc đưa tiêu chí gây khó cho nhà thầu, biến gói thầu mua sắm hàng hoá thành tìm kiếm đơn vị sản xuất ghế học sinh theo thiết kế riêng của Sở GD&ĐT Bình Định khiến gói thầu bị đội giá rất lớn, hơn 12,3 tỷ đồng, hơn 53% giá trúng thầu (23,29 tỷ đồng).
Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng khi nhìn vào con số “khủng”, hơn 12,3 tỷ đồng (hơn 53%) đội giá của gói thầu này khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư công của cơ quan này.
Theo phản ánh, việc xây dựng các tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu của Sở GD&ĐT Bình Định đã vi phạm nghiêm trọng Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 và Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022: Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, các tiêu chí phải đảm bảo minh bạch, không hạn chế nhà thầu, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Để làm rõ những dấu hiệu bất thường trong gói thầu trên, cộng đồng doanh nghiệp rất mong cơ qua chức năng vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm (nếu có) để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác đấu thầu và tiết kiệm được ngân sách nhà nước.
Sau khi nghiên cứu đơn thư, căn cứ khoản 2, Điều 12 Luật Báo chí số 103/2016/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 05/04/2016; Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, ngày 25/4/2023, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có công văn số 54/CV-HN kính chuyển tới Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định để giải quyết theo thẩm quyền, và thông báo kết quả tới toà soạn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.