Danh tính 4 ngân hàng nhận chuyển giao từ 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó 3 ngân hàng mua bắt buộc, theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.
Việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng gồm các ngân hàng 0 đồng như OceanBank, CBBank, và DongA Bank đã được nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua của một số ngân hàng.
Các ngân hàng được cho là sẽ tiếp nhận chuyển giao một trong 4 ngân hàng nói trên gồm Vietcombank, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), VPBank, và HDBank.
VPBank là một trong 4 ngân hàng sẽ nhận chuyển giao ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Ảnh: Internet.
Mới đây, HDBank đã trình ĐHĐCĐ phương án góp không quá 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank.
Tại ĐHĐCĐ Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng cho biết, Vietcombank đánh giá thời gian xử lý ngân hàng được tiếp nhận sẽ không quá 8 – 10 năm, để biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường.
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc thường trực MB - ông Phạm Như Ánh chia sẻ hiện tại, Ban điều hành đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc.
"Theo quy trình của Nhà nước, thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được", ông Ánh cho hay.
Còn tại VPBank, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cũng tiết lộ, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.
VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Tại dự thảo đề án, trong 4 ngân hàng tham gia thì có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49% nhưng việc này còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt.
Nhưng việc 4 ngân hàng nhận chuyển giao 1 trong 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng nào thì vẫn chưa được tiết lộ.
Liên quan đến việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, theo báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 - 2025, trong đó hoàn thiện khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...
Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Liên quan đến ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định, không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.
MSB trình cổ đông thông qua phương án sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Ảnh: Internet.
Một diễn biến liên quan đến MSB, Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) diễn ra chiều 21-4, hội đồng quản trị MSB trình cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Được dư luận đồn đoán có thể MSB sẽ là cái tên thứ 5 trong danh sách nhận chuyển giao ngân hàng thứ 5 đang được kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự nhằm tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.
Trong tờ trình, MSB nhấn mạnh dự kiến tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.